Bên cạnh một CV ấn tượng thì mục tiêu nghề nghiệp marketing là yếu tố quan trọng bạn cần tập trung để có thể thu hút sự chú ý và thuyết phục nhà tuyển dụng về năng lực của mình.

Trong bài viết này, GEM sẽ chia sẻ 5 bước viết mục tiêu nghề nghiệp trong lĩnh vực marketing cụ thể. Hãy cẩn thận theo dõi nhé! 

5 Bước viết mục tiêu nghề nghiệp marketing

Mục tiêu nghề nghiệp được hiểu là viễn cảnh tương lai bạn muốn đạt tới trong lĩnh vực ngành nghề bạn đang theo đuổi, mà cụ thể ở đây là ngành marketing. Tương tự như mục tiêu cuộc sống, mục tiêu nghề nghiệp có thể chia thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. 

Bước 1: Tìm hiểu các vị trí công việc tuyển dụng

Bước đầu tiên trước khi viết mục tiêu nghề nghiệp là bạn cần hiểu rõ về ngành, những vị trí công việc nào bạn có thể ứng tuyển, đặc biệt trong lĩnh vực marketing, công việc bạn có thể làm không chỉ chung chung là một chuyên viên marketing, mà còn cụ thể rất nhiều mảng khác nữa.

Bạn có thể tham khảo một số vị trí dưới đây:

Các vị trí trong bộ phận marketing tại Client (công ty kinh doanh): 

  • Quản lý thương hiệu
  • Giám đốc/nhân viên marketing
  • Nhân viên PR (Quan hệ công chúng
  • Trợ lý nhãn hàng

Các vị trí trong bộ phận marketing tại Agency (Công ty dịch vụ marketing) 

  • Copywriter
  • Giám đốc nghệ thuật (video, ảnh…)
  • Giám đốc sáng tạo (Creative director)
  • Designer (Thiết kế)
  • Account manager/ executive
  • Marketing executive

Tìm hiểu cụ thể từng vị trí công việc, xem yêu cầu, điều kiện ứng tuyển là gì, việc nắm rõ những thông tin này là tiền đề để bạn viết một mục tiêu nghề nghiệp marketing ấn tượng. 

Bước 2: Phân tích bản thân

Thế mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Bạn đam mê những công việc như thế nào? Khả năng sáng tạo của bạn ra sao? Bạn thích làm việc với con người hay thích làm việc với con số?…

Hiểu rõ bản thân sẽ giúp bạn lựa chọn được vị trí công việc phù hợp và đưa ra mục tiêu nghề nghiệp chính xác. Bạn có thể sử dụng mô hình SWOT để phân tích điểm mạnh, điểm yếu của chính bản thân mình.

  • Nếu bạn là một sinh viên mới ra trường, chưa từng có kinh nghiệm làm việc ở một vị trí nào trước đó, nên không biết là bản thân phù hợp với công việc gì. Đừng ngại tự phân tích chính mình và xin lời tư vấn từ những người khác (thầy cô giáo, bạn bè, gia đình…), họ sẽ đưa ra những nhận xét và lời khuyên bạn có thể tham khảo để lựa chọn công việc phù hợp với mình. 
  • Nếu bạn yêu thích công nghệ và ứng dụng công nghệ vào marketing, sự biến động của các con số, biểu đồ…thì mục tiêu nghề nghiệp marketing online (adwords, facebook…) hoặc phân tích dữ liệu…có thể là vị trí phù hợp dành cho bạn. 
  • Nếu bạn yêu thích thử thách, giao tiếp với mọi người và có khả năng đàm phán, thuyết phục…thì có thể thử sức ở các vị trí sales, kinh doanh. Chắc chắn bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để học hỏi và phát huy thế mạnh bản thân. 
  • Nếu bạn là một con người có đầu óc sáng tạo tuyệt vời, luôn có rất nhiều ý tưởng độc đáo, thì vị trí creative là sự lựa chọn đúng đắn.

Nghề nghiệp là một phần quan trọng của cuộc sống. Bạn dành ⅓ cuộc đời để làm việc, gắn bó với nghề. Chọn đúng nghề, mỗi ngày trong cuộc đời bạn sẽ thật hạnh phúc vì được sống và trải nghiệm, làm những việc mình yêu thích. Chọn sai nghề, bạn sẽ đi đến chỗ bế tắc và đau khổ vì phải cố gắng làm những điều không phải thế mạnh của bản thân.

Vì vậy, hãy thật cân nhắc và thận trọng khi lựa chọn vị trí cho mình, đó sẽ là tiền đề để bạn phát huy và thành đạt trong tương lai. Nhưng đừng quá lo lắng, dù có chưa chính xác trong một vài lần đầu tiên, bạn vẫn có thể thay đổi và lựa chọn công việc phù hợp nhất, tìm thấy điều mà mình yêu thích. 

Bạn buộc phải chọn thật đúng nghề – vì có yêu thích thì mới có thể dùng ⅓ cuộc đời để làm việc và phấn đấu. Nếu bạn chọn sai, ⅓ cuộc đời ấy coi như lãng phí!

Bước 3: Nghiên cứu doanh nghiệp tuyển dụng

Sau khi đã phân tích bản thân và lựa chọn được một vị trí công việc ứng tuyển. Để viết được mục tiêu nghề nghiệp marketing hấp dẫn, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ nơi mà mình sẽ làm việc trong tương lai. Hãy đặt những câu hỏi và tìm hiểu nó thật kỹ càng:

  • Ngành nghề: Họ là ai? Họ kinh doanh trong lĩnh vực nào? Những thương hiệu/nhãn hiệu họ có là gì? Thế mạnh của họ là gì? Định hướng phát triển của họ như thế nào? (xem liệu có phù hợp với định hướng phát triển của bạn).
  • Khách hàng: Đối tượng khách hàng nào họ đang nhắm đến? (ngoài những công sự, liệu khách hàng của công ty có phải là một đối tượng thân quen mà bạn biết hay họ là những người bạn ít tiếp xúc và chưa có một chút kinh nghiệm nào)
  • Đối thủ: Đối thủ cạnh tranh của họ là những doanh nghiệp nào?… (việc biết đối thủ cạnh tranh bản chất giúp bạn biết được xu hướng ngành nghề đó đang phát triển như thế nào, điểm yếu điểm mạnh giữa công ty và các đối thủ … 
  • Bane thân: Tìm hiểu thật kỹ những điều kiện ứng tuyển, xem doanh nghiệp cần gì ở bạn? Họ cần ứng viên có những kỹ năng, kiến thức như thế nào?…

Những thông tin tổng quan về doanh nghiệp rất quan trọng để bạn có thể làm một CV ấn tượng cũng như trả lời phỏng vấn thuận lợi.

Bước 4: Viết mục tiêu nghề nghiệp marketing theo nguyên tắc SMART

Mục tiêu nghề nghiệp thường nằm ngay sau thông tin giới thiệu cá nhân của bạn. Thông qua điều này, nhà tuyển dụng sẽ có được những cái nhìn đầu tiên về tính cách, phẩm chất, cam kết của bạn với công việc. Nguyên tắc SMART là một công cụ hữu ích giúp bạn viết một mục tiêu ấn tượng.

❖ Specific (cụ thể, rõ ràng)

Một mục tiêu chung chung như “học hỏi, phát triển kỹ năng của bản thân và cống hiến cho công ty” thực sự không gây ấn tượng cho doanh nghiệp.

Hãy cụ thể hóa mục tiêu của bạn thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Nhưng không nên viết quá dài, vì thông thường, nhà tuyển dụng chỉ dành khoảng 3-6 giây để đọc mục tiêu nghề nghiệp của bạn, nên số ký tự bạn có thể sử dụng thường không quá 200 chữ. Mỗi phần mục tiêu ngắn hạn và dài hạn chỉ cần tối đa 3-4 đề mục là đủ, cụ thể nhưng cô đọng và súc tích. 

Measurable (đo lường được) 

Hãy đưa ra những mục tiêu cụ thể và có thể đo lường. Mục tiêu Ielts 7.0 sẽ thuyết phục hơn rất nhiều so với “Phát triển kỹ năng tiếng anh”. Đưa ra mục tiêu nghề nghiệp marketing đo lường được cũng thể hiện sự cam kết và quyết tâm của bạn với mục tiêu đó.

Attainable (khả thi, có thể đạt được) 

Đừng “chém gió” quá đà. Hãy đặt ra một mục tiêu mà bạn cần cố gắng nhưng không quá sức. Vừa mới ra trường mà đặt mục tiêu là sau một tháng lên giám đốc marketing thì có lẽ sẽ khó để thuyết phục nhà tuyển dụng. Đánh giá một cách khách quan năng lực hiện tại của bản thân và đặt ra những mục tiêu khả thi là yếu tố quan trọng để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. 

Relevant (Liên quan) 

  • Liên quan đến vị trí ứng tuyển

Vì lĩnh vực marketing rất rộng, bao gồm nhiều mảng khác nhau. Nên sau khi chọn được vị trí ứng tuyển, bạn hãy viết mục tiêu nghề nghiệp cho chính mảng đó, không nên viết quá chung chung, nhà tuyển dụng sẽ không thấy hết được tiềm năng của bạn.

Nếu có thể hãy sử dụng một cách khéo léo những thuật ngữ marketing trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi để viết mục tiêu. Họ sẽ thấy bạn “chuyên” hơn rất rất nhiều. Hoặc nếu bạn ứng tuyển vào những vị trí cần sự sáng tạo như creative, designer…hãy cho doanh nghiệp thấy sự sáng tạo tuyệt vời của bạn. 

  • Liên quan đến doanh nghiệp tuyển dụng

Đừng thao thao bất tuyệt về bản thân mà quên mất người tuyển mình là ai. Hãy cho doanh nghiệp thấy rằng bạn sẽ là một nhân viên tuyệt vời, có phẩm chất, kỹ năng, đam mê và cống hiến hết mình, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. 

  • Liên quan đến kế hoạch cá nhân

Bạn sẽ kết hôn vào năm tới và sống tại Hà Nội nhưng mục tiêu nghề nghiệp marketing lại góp phần phát triển thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh? Điều này sẽ khó để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là ứng viên thích hợp.

Dù những điều này sẽ không thể hiện trên bản CV, nhưng bước vào vòng phỏng vấn, mọi thứ sẽ lộ rõ. Vì vậy, vì bản thân cũng như doanh nghiệp, hãy cân nhắc thật kỹ và đảm bảo rằng mục tiêu nghề nghiệp không đối chọi với mục tiêu cuộc sống của bạn, nó phải là một phần quan trọng trong mục tiêu lớn đó. 

Timed (Giới hạn thời gian) 

Một mục tiêu có giới hạn thời gian rõ ràng sẽ có tính thuyết phục cao hơn, đáng tin cậy hơn. Ví dụ: Mục tiêu ngắn hạn trong 2 năm, dài hạn trong 5 năm sẽ đạt được….Việc giới hạn thời gian rõ ràng cũng sẽ thể hiện rằng bạn là một người làm việc có kế hoạch và đáng tin cậy. 

Bước 5: Check lại và chỉnh sửa

Sau khi đã viết xong một mục tiêu smart, đừng vội vàng gửi CV luôn. Hãy xem lại toàn bộ và kỹ càng, cả về hình thức (hình ảnh, đồ họa, biểu đồ…) và nội dung (lỗi chính tả, phông chữ, ngắt câu…) xem đã thật sự chính xác hay chưa. Việc này sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn với nhà tuyển dụng. 


Mục tiêu nghề nghiệp marketing là bước đầu tiên để bạn tiếp cận đến vị trí công việc mình mơ ước, đồng thời cũng mang lại một cái nhìn rõ ràng về tương lai mà bạn muốn đến trong lĩnh vực mà mình đang theo đuổi.

Vì vậy, hãy dành thời gian và chất xám để nghiên cứu, phân tích và đưa ra mục tiêu từ chính trái tim và khối óc của mình, nó không chỉ để nhà tuyển dụng xem và tuyển bạn vào công ty của họ, nó còn là chiếc la bàn chỉ đường cho bạn nữa. Chúc bạn thành công trên con đường theo đuổi đam mê! 

ID bài viết: (+84) 089 806 1234

GEM - Công ty tư vấn Digital Marketing tổng thể

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn Digital Marketing tổng thể và Phòng Marketing thuê ngoài, GEM mang đến các dịch vụ gia tăng tối ưu giá trị cho các khách hàng hướng tới mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

Liên hệ với chúng tôi để nhận tư vấn miễn phí.

công ty tư vấn chiến lược marketing tổng thể